Nhằm ngăn chặn, kịp thời phát hiện và phòng ngừa việc sản xuất, kinh doanh thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe giả; bảo đảm chất lượng, an toàn, tác dụng và hiệu quả điều trị cho người sử dụng; Sở Y tế Hải Phòng có văn bản yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm,thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; Công điện số 41/CĐTTg ngày 17/04/2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc điều tra, xử lý vụ việc buôn bán thuốc, sản phẩm bảo vệ sức khỏe. Phối hợp với Sở Công Thương (hoặc các đơn vị có chức năng tương đương) và các cơ quan đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát, phòng chống thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả lưu thông trên thị trường.
Rà soát các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, bán buôn, bán lẻ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Trường hợp có khó khăn, bất cập, đề nghị khẩn trương phản ánh về các cơ quan chức năng để kịp thời nghiên cứu, sửa đổi.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; Thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
Đề nghị các cơ sở kinh doanh, sản xuất thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các Công văn số 1658/SYT-ATTP và 1659/SYT-NVD ngày 21/4/2025 của Sở Y tế; thực hiện ngay việc rà soát, thu hồi các loại thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả đã được phát hiện, kịp thời ngăn chặn và giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả.
Giao Phòng Nghiệp vụ Dược phổ biến đến tất cả cơ sở kinh doanh dược quy định Luật số 44/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Dược có hiệu lực từ ngày 01/07/2025 đối với nội dung kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, đặc biệt các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 17, 18, 19 được bổ sung bởi Điểm d Khoản 3 Điều 1 Luật số 44/2024/QH15; các nguyên tắc tiêu chuẩn “Thực hành tốt” trong đó yêu cầu cơ sở kinh doanh dược chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát xuất xứ của thuốc, chất lượng thuốc, hạn dùng của thuốc trước khi đưa ra lưu hành trên thị trường, tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ pháp lý của nhà cung cấp,khách hàng, thực hiện chỉ mua, bán thuốc cho các cơ sở kinh doanh dược có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi kinh doanh phù hợp, cập nhật văn bản quy các quy định về việc mua bán thuốc kê đơn, thuốc kiểm soát đặc biệt.
Thanh tra Sở Y tế phối hợp với phòng Nghiệp vụ Dược, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm và các phòng, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về dược, an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhất là tại các địa bàn trọng điểm, chú trọng vào hoạt động kết nối cơ sở cung ứng thuốc với cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc; hóa đơn, chứng từ,nguồn gốc xuất xứ; việc bán thuốc theo đơn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đặc biệt, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn nhằm phát hiện và ngăn chặn việc kinh doanh dược tại nơi không phải là địa điểm kinh doanh ghi trên Giấy chứng nhận đủ kiện kinh doanh dược hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép (mua bán trực tuyến hiện nay).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan truyền thông trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông về tác hại của thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; tuyên truyền việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả và thúc đẩy mua bán thuốc theo đơn; tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin đến người dân chỉ mua thuốc có đầy đủ thông tin, rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ tại các cơ sở kinh doanh dược hợp pháp; tránh mua thuốc theo các thông tin không chính xác trên trang mạng xã hội; cần nâng cao cảnh giác để chung tay với cơ quan quản lý nhà nước trong công cuộc chống hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại.
Phạm Sen – Khoa TTGDSK, CDC Hải Phòng