Theo nghiên cứu về “Ảnh hưởng của nhiệt độ mùa đông đối với bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu cục bộ đăng trên NCBI” (Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia) vào năm 2019, số người đột quỵ do thiếu máu cục bộ có xu hướng tăng lên vào mùa lạnh, nhất là khi nhiệt độ giảm mạnh. Nguyên nhân có thể liên quan đến tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng lipid máu, bệnh mạch vành, rung nhĩ, bệnh van tim, béo phì và lười vận động.
Theo báo cáo của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, vào mùa lạnh khi nhiệt độ xuống thấp có thể dẫn đến co thắt các mạch máu, hạn chế dòng chảy tự do của máu lên não. Ngoài ra, sự thay đổi của nhiệt độ cũng là một trong những yếu tố làm máu trở nên đặc và dễ đông hơn.
Kết hợp các yếu tố trên, người bị mỡ máu cao sẽ phải đối diện nguy cơ đột quỵ vào mùa lạnh nhiều hơn so với người khỏe mạnh.
Vì sao mỡ máu tăng cao khi thời tiết lạnh?
Chế độ ăn uống thay đổi
Vào mùa đông, mọi người thường ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo và calo hơn, như thịt đỏ, đồ chiên rán, và các món ăn giàu năng lượng để giữ ấm cơ thể.
Thói quen tiêu thụ đồ ngọt, thức uống nóng chứa nhiều đường và mỡ (như socola nóng) cũng tăng lên, góp phần làm tăng cholesterol.
Giảm vận động
Thời tiết lạnh khiến nhiều người giảm các hoạt động thể chất ngoài trời. Việc ít tập thể dục có thể làm giảm quá trình chuyển hóa mỡ trong cơ thể, dẫn đến tích tụ cholesterol xấu (LDL).
Tác động của ánh sáng mặt trời
Vào mùa đông, thời gian tiếp xúc với ánh sáng mặt trời giảm. Việc này làm giảm sản xuất vitamin D, một chất có vai trò điều chỉnh mức cholesterol trong máu.
Sự thay đổi sinh lý của cơ thể
Cơ thể có xu hướng tích trữ năng lượng và chất béo nhiều hơn vào mùa đông như một cách bảo vệ tự nhiên để chống lạnh. Điều này có thể làm tăng nồng độ cholesterol trong máu.
Ảnh hưởng của hormone
Mùa đông có thể gây ra sự thay đổi hormone, như cortisol (liên quan đến stress) thường tăng cao hơn. Điều này có thể làm tăng cholesterol, đặc biệt là cholesterol xấu (LDL).
Dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ mùa lạnh
Theo medicalnewstoday (Anh), tê yếu tay chân là một trong những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ.
Tê yếu tay chân vì thời tiết lạnh là điều tự nhiên, sẽ xảy ra với bất kỳ ai khi nhiệt độ xuống thấp và cảm giác này sẽ biến mất khi thời tiết ấm hơn. Nguyên nhân do lượng máu lưu thông đến các chi giảm. Thông thường, cơ thể cần được duy trì mức nhiệt độ nhất định để tồn tại, sự chênh lệch nhiệt độ có thể làm hạ thân nhiệt, ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, khi mùa lạnh đến cơ thể sẽ tự điều chỉnh lượng máu chảy đến tay và chân để ổn định nhiệt độ cho cơ thể. Sự thiếu hụt lưu lượng máu này gây ra cảm giác tê bì ở các ngón tay, chân.
Tốt nhất, bệnh nhân nên thăm khám để tránh nguy cơ xuất hiện cơn đột quỵ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Để giữ ấm tay chân vào mùa lạnh có thể đeo găng tay, tất chân khi ra ngoài, có thể ngâm chân với nước ấm, sưởi ấm tay chân bằng cách thiết bị sưởi nhiệt, túi giữ ấm…
Cách kiểm soát các chỉ số mỡ máu
Nguyên nhân khiến bạn bị mỡ máu cao là do: Chế độ ăn nhiều chất béo như thịt mỡ, da động vật, đồ chiên rán… Người thừa cân, béo phì, thường xuyên sử dụng các chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá. Người mắc các bệnh lý như tiểu đường, suy thận, suy gan, nhiễm trùng, viêm ruột, hội chứng Cushing…
Để kiểm soát bệnh mỡ máu, bạn có thể tham khảo những cách dưới đây:
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Giảm chất béo bão hòa, tăng cường các loại rau xanh, củ, quả, trái cây tươi, thực phẩm giàu omega-3, hạn chế ăn mỡ động vật, nội tạng động vật. Hạnh nhân, hạt điều, óc chó, đậu phộng, hạt chia cung cấp acid béo omega – 3 cùng các dưỡng chất giúp giảm cholesterol xấu và chất béo trung tính trong máu.
- Vận động thể chất mỗi ngày, điều độ để giảm nồng độ Cholesterol xấu trong máu, tăng HDL-C, giảm nguy cơ mắc bệnh mỡ máu và các bệnh lý khác. Tập thể dục có thể cải thiện chỉ số cholesterol. Hoạt động thể chất vừa phải có thể giúp tăng lượng cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL), còn được gọi là cholesterol tốt.
- Các chuyên gia y tế khuyên bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút/lần và năm lần một tuần. Hoặc tập aerobic trong 20 phút/lần và ba lần một tuần.
- Hạn chế sử dụng rượu, bia, thuốc lá.
- Giảm cân. Tìm cách kết hợp nhiều hoạt động hơn vào thói quen sinh hoạt hàng ngày của bạn.