Chúng ta đều biết sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là loại thức ăn hoàn hảo để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện. Trong sữa mẹ có chứa các chất đề kháng và dưỡng chất, các chất này đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thay đổi của bé và bảo vệ bé khỏi viêm nhiễm và bệnh tật.
Lợi ích đối với trẻ
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo dễ hấp thụ, dễ tiêu hóa đặc biệt trong 06 tháng đầu. Sữa mẹ cung cấp đầy đủ nhu cầu năng lượng, nhu cầu về các chất dinh dưỡng ngay cả nhu cầu nước cũng đủ cho bé trong 06 tháng đầu sau sinh.
Sữa mẹ giúp thúc đẩy sự phát triển của cơ thể, kích thích sự phát triển của não bộ, trẻ được bú mẹ giúp trẻ phát triển tốt về thể lực và trí não.
Sữa mẹ có rất nhiều kháng thể đặc biệt trong 06 tháng đầu sau khi sinh. Do đó khi bú mẹ sẽ giúp trẻ phòng ngừa các bệnh lý như: nhiễm trùng, dị ứng; hạn chế các bệnh lý về đường tiêu hóa như: tiêu chảy; đường hô hấp như: viêm phổi và các bệnh nhiễu trùng, dị ứng khác so với trẻ không được bú sữa mẹ.
Sữa mẹ rất sạch sẽ và tiện lợi đặc biệt trong trường hợp lũ lụt, thiên tai, tình huống khẩn cấp, sữa mẹ luôn sẵn sàng không phải mất thời gian chuẩn bị. Bên cạnh đó việc trẻ bú sữa mẹ sẽ giúp tăng sự gắn kết tình cảm mẹ con.
Lợi ích đối với bà mẹ
Việc cho trẻ bú mẹ không chỉ có lợi cho trẻ, mà còn có lợi cho bà mẹ trên nhiều phương diện. Nuôi con bằng sữa mẹ là một cách nuôi dưỡng trẻ vô cùng kinh tế và tiện lợi vì sữa mẹ luôn sẵn có.
Cho trẻ bú sữa mẹ không chỉ giúp các bà mẹ giảm cân tự nhiên, giúp co hồi tử cung sau khi sinh, phòng được chảy máu sau đẻ. Bên cạnh đó còn làm giảm nguy cơ bị ung thư vú, buồng trứng hoặc ung thư dạ con, giảm nguy cơ loãng xương và đái tháo đường.
Khi nào thì bắt đầu cho trẻ bú sữa mẹ
Sữa mẹ do chính cơ thể mẹ tạo ra trong suốt quá trình mang thai. Sữa mẹ tiết ra sớm được gọi là sữa non, có độ đặc, màu hơi vàng, chứa nhiều chất dinh dưỡng và kháng thể giúp bảo vệ con bạn khỏi bị nhiễm trùng. Do vậy cần cho con bú sớm trong vòng 30 phút đến 1 giờ đầu sau khi sinh, điều này sẽ giúp cho trẻ khỏe mạnh.
Trong 6 tháng đầu chỉ cho bú sữa mẹ không cần cho ăn thêm bất kỳ thức ăn, nước uống nào khác. Những thức ăn, kể cả nước uống sẽ gây hại cho bé, thậm chí là nguy hiểm cho sức khỏe của bé. Như vậy, sữa mẹ sẽ là thức ăn duy nhất gắn chặt với bé trong 6 tháng đầu đời.
Chế độ ăn, uống và cách bảo vệ nguồn sữa mẹ
Muốn có sữa cho con bú thì ngay trong thời kỳ mang thai người mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái, để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
Khi cho con bú các bà mẹ cần ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường và ăn các loại thực phẩm chứa nhiều sắt, Vitamin A, và axit folic như sữa, hoa quả, thịt cá, trứng, đậu phụ, lạc, đậu đỗ, các thực phẩm có màu vàng, đỏ… và các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ có tác dụng kích thích bài tiết sữa.
Để sữa được tiết ra một cách thuận lợi, tinh thần người mẹ phải thoải mái, tự tin, tránh những căng thẳng, buồn phiền, lo âu, mất ngủ. Chế độ lao động, nghỉ ngơi sau khi sinh đẻ có ảnh hưởng đến bài tiết sữa.
– Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước mỗi ngày từ 2 lít trở lên tốt nhất nên ăn thêm cháo, uống nước hoa quả tươi và sữa.
– Không nên dùng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá, nước trà đặc… Giảm ăn các loại gia vị như tỏi, ớt, tiêu, giấm…
– Ðiều quan trọng để tạo nhiều sữa là cần cho con bú thường xuyên, đúng cách. Trẻ ngậm bắt vú đúng sẽ bú có hiệu quả và tránh làm người mẹ đau rát vú.
Vì sức khỏe của trẻ, hãy cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh, nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi.
Phạm Sen