Chiều 29/7, Sở Y tế tổ chức Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng, an toàn vệ sinh thực phẩm 6 tháng đầu năm 2022. Đồng chí Lê Khắc Nam – Phó Chủ tịch UBND thành phố, Giám đốc Sở Y tế chủ trì hội nghị. Cùng dự có TS.Phan Huy Thục – Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế, đại diện các phòng ban thuộc Sở, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Chi cục vệ sinh an toàn thực phầm thành phố; đại diện Phòng Y tế,Trung tâm Y tế các quận huyện trên địa bàn thành phố.
Nhằm đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2022 đã được triển khai quyết liệt. Ngành y tế Hải Phòng đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch bệnh như: COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm mùa, bệnh dại, sởi, sốt rét, bệnh đậu mùa khỉ, đái tháo đường, phòng chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản; phòng chống HIV/AIDS; tích cực phòng chống tai nạn thương tích-xây dựng cộng đồng an toàn, vệ sinh học đường, giám sát chất lượng nước; cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; phòng chống bệnh nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe người lao động, tăng cường các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe….
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn thành phố ghi nhận 456.880 ca mắc bệnh COVID-19. Số ca mắc ghi nhận cao nhất tại các quận/huyện Thủy Nguyên (99.077 ca), huyện An Dương (66.267 ca), Vĩnh Bảo (41.140 ca), Lê Chân (37.521). Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022 thành phố ghi nhận số ca mắc giảm mạnh của bệnh Tay chân miệng, bệnh viêm gan virus, chưa phát hiện ca bệnh Zika, Mer-CoV…trên địa bàn thành phố. Số ca sốt xuất huyết tăng 10 ca so với cùng kỳ 2021 nhưng so với các năm trước chưa có biến động lớn. Các bệnh dịch khác ghi nhận sự ổn định, không có ổ dịch tập trung.
Công tác tiêm chủng được đẩy mạnh đặc biệt là tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và tiêm chủng mở rộng…
Tuy nhiên, diễn biến dịch khó lường, dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt với sự xuất hiện các biến chủng mới; bệnh đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập; các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang có nguy cơ quay trở lại, do đó hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ xuất hiện dịch chồng dịch. Tại Hội nghị, các đại biểu cùng nhau trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan đến việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư y tế, nhân lực và cơ sở vật chất….
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế Phan Huy Thục ghi nhận sự nỗ lực của các đơn vị trong ngành đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng. Đồng thời, đề nghị các đơn vị tăng cường theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh trên thế giới, Việt Nam và Hải Phòng đặc biệt là dịch bệnh COVID-19, bệnh đậu mùa khỉ; thường xuyên cập nhật, đánh giá nguy cơ; chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, hoá chất, sinh phẩm, vật tư, trang bị và kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp và chủ động. Tăng tỷ lệ tiêm chủng mở rộng và tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Triển khai các biện pháp phòng dịch chủ động đối với các dịch bệnh lưu hành hàng năm như sốt xuất huyết, tay chân miệng; tăng cường chiến dịch vệ sinh môi trường – diệt bọ gậy, phun hoá chất diệt muỗi phòng sốt xuất huyết Dengue, vệ sinh môi trường phòng tay chân miệng, đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, nước sạch…; thường xuyên cập nhật, phổ biến kiến thức, các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn tuyến trên; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chú trọng truyền thông nguy cơ, truyền thông vận động phòng chống dịch, đặc biệt truyền thông vận động tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng phòng COVID-19…