Viêm gan bí ẩn là tình trạng gan bị viêm nhiễm chưa xác định rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên. Viêm gan gây ra do nhiều nguyên nhân, thường liên quan đến nhiễm virus. Phổ biến nhất là 5 loại virus viêm gan gồm virus A, B, C, D và E. Các virus khác như adenovirus, CMV, EBV… có thể gây viêm gan, nhưng trường hợp này rất hiếm.
Điều bất thường là trong số hàng trăm ca viêm gan bí ẩn đang được ghi nhận, không có bệnh nhân nào được tìm thấy mắc một trong 5 loại virus viêm gan phổ biến. Hiện các nhà khoa học đang nghi vấn Adenovirus chính là thủ phạm gây ra hàng loạt ca mắc viêm gan bí ẩn trên toàn cầu.
• Đối tượng phổ biến mắc bệnh viêm gan bí ẩn
Đối tượng phổ biến mắc bệnh viêm gan bí lạ hiện nay là trẻ em trong độ tuổi từ 1 tháng đến 16 tuổi không có bệnh kèm theo, hầu hết là dưới 10 tuổi và nhiều nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Đa số trẻ em mắc bệnh này trước đó đều khỏe mạnh. Một số trường hợp đã từng mắc Covid-19 hoặc nhiễm adenovirus trước đó.
Adenovirus là loại virus rất phổ biến ở người, đặc biệt là trẻ em. Trong đó, adenovirus type 41 chủ yếu lây lan qua đường tiêu hóa, là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm dạ dày – ruột cấp tính ở trẻ em, điển hình là tiêu chảy, nôn ói và sốt, thường kèm theo các triệu chứng hô hấp. Virus adeno được coi là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây tiêu chảy trong các nghiên cứu về trẻ em nhập viện tại các nước phát triển, sau Rotavirus. Do vậy, khi có triệu chứng bất thường, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý và đưa trẻ đi thăm khám sớm.
• Triệu chứng của bệnh viêm gan lạ:
Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm gan lạ rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng bệnh truyền nhiễm về đường Hô hấp (cúm, viêm phổi,…) hay đường tiêu hóa (tiêu chảy cấp, tả, thương hàn,…), thậm chí Covid-19. Nhiều phụ huynh cứ nghĩ trẻ nhiễm Covid-19 mà không cần xét nghiệm, dẫn đến phát hiện và can thiệp điều trị muộn, có thể dẫn đến những biến chứng và hệ lụy đáng tiếc.
• Nguyên nhân gây bệnh viêm gan lạ
Hiện nay, các chuyên gia vẫn chưa thể trả lời nguồn cơn của bệnh viêm gan. Tuy nhiên, giả thuyết hàng đầu là adenovirus (loại virus chứa DNA chuỗi kép, đường kính của virus từ 70-80nm, không có vỏ bọc bên ngoài). Đặc biệt, đây là họ virus phổ biến thường gây cảm lạnh thông thường với các triệu chứng giống như cúm, hoặc gây bệnh đường tiêu hóa như viêm dạ dày ruột cấp tính.
– Trong nhiều trường hợp, trẻ nhiễm adenovirus sẽ có các triệu chứng tiêu hóa, bao gồm nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sốt, nước tiểu sẫm màu hay phân nhạt màu. Triệu chứng đặc trưng nhất cần cảnh giác là vàng da hay vàng mắt. Các xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy trẻ cũng có nồng độ men gan cao bất thường, dấu hiệu của tình trạng viêm hoặc tổn thương gan.
• Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan bí ẩn
Hiện nay, vẫn chưa có phác đồ và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm gan lạ ở trẻ. Điều trị viêm gan do adenovirus gây ra chủ yếu vẫn là các biện pháp điều trị hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng, truyền dịch nếu trẻ mất nước), sức khỏe trẻ thường tự hồi phục.
Biện pháp phòng ngừa tốt nhất hiện nay đối với trẻ em và người lớn là:
• Đeo khẩu trang
• Rửa tay thường xuyên vì vi – rút có khả năng bám lâu dài trên bề mặt đồ vật kể cả khi đã dùng chất khử trùng
• Tránh tiếp xúc gần với người bị bệnh
• Che miệng / rửa tay / vứt giấy sau khi ho, hắt hơi
• Tránh tiếp xúc với phân, vệ sinh cẩn thận sau khi thay tã cho trẻ
• Tránh chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa rửa
• Thực hiện ăn chín, uống sôi.
• Nghỉ ngơi đầy đủ để làm tăng khả năng lọc máu, tăng sức khỏe và chức năng thải độc gan
• Giữ tinh thần thoải mái, hạn chế stress
• Tăng cường hoạt động thể thao, duy trì cân nặng lành mạnh
• Thực hiện tình dục an toàn, ngăn ngừa lây nhiễm các bệnh về gan
• Không dùng chung vật dụng cá nhân (khăn mặt, bàn chải đánh răng…) với người khác
• Uống thuốc (nếu có) theo đúng chỉ định của bác sĩ
• Tiêm phòng vacxin đầy đủ giúp tránh lây nhiễm viêm gan B và A, hiện nay vẫn chưa có thuốc chủng ngừa viêm gan C
• Tầm soát gan mật định kỳ giúp phát hiện sớm các vấn đề ở gan, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.