Nhiễm ký sinh trùng là căn bệnh âm thầm, do các loài ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể người. Chúng có thể “chung sống hòa thuận” trong cơ thể người nhiều năm liền để sinh sôi, nảy nở và hút dinh dưỡng, máu từ cơ thể vật chủ. Người bệnh có thể vô tình phát hiện khi đi khám sức khỏe tổng quát hay khám bệnh thông thường có thực hiện các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu. Bệnh ký sinh trùng có thể gây ra các tổn thương tại gan, não, phổi, thận, đường tiêu hóa ở người; gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng, thể lực, phát triển cơ thể ở trẻ em và phụ nữ mang thai. Bệnh ký sinh trùng gây ảnh hưởng cấp tính và lâu dài đến sức khỏe của người dân, tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng và gây ra những gánh nặng bệnh tật. Bệnh đã có phác đồ điều trị và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như chưa gây ra các biến chứng nguy hiểm.
Nhằm góp phần làm giảm gánh nặng bệnh ký sinh trùng thường gặp tại Hải Phòng và nâng cao sức khỏe cộng đồng, UBND thành phố Hải Phòng ban hành Kế hoạch số 86/KH-UBND ngày 15/3/2023; Kế hoạch số 56/KH-SYT ngày 07/4/2023 của Sở Y tế về Kế hoạch triển khai phân vùng dịch tễ bệnh Ký sinh trùng thường gặp tại thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025. Trong 2 ngày 7/8 và 14/8/2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) phối hợp Trung tâm Y tế quận Kiến An triển khai điều tra phân vùng tại địa bàn phường Văn Đẩu và phường Phù Liễn. Mỗi phường sẽ chọn 200 đối tượng trong độ tuổi từ 2 tuổi đến 65 tuổi.
Tại buổi điều tra phân vùng dịch tễ, người dân tại 2 phường Văn Đẩu và Phù Liễn sẽ được các cán bộ y tế của CDC Hải Phòng, Trung tâm Y tế Kiến An và Trạm Y tế phường tiến hành lấy mẫu xét nghiệm phân để tìm các loại trứng giun sán bằng phương pháp Kato-Katz; Lấy mẫu máu tĩnh mạch xét nghiệm ELISA phát hiện bệnh ấu trùng giun đũa chó, mèo. Những đối tượng được phát hiện nhiễm giun, sán CDC Hải Phòng sẽ hướng dẫn Trạm Y tế tư vấn điều trị. Đối với những trường hợp phức tạp, CDC Hải Phòng sẽ hướng dẫn người dân lên Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương để điều trị.
Phạm Hậu