Mùa hè, thời tiết nắng nóng mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm phát triển, trong đó có bệnh tay – chân – miệng. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tăng mạnh vào khoảng thời gian tháng 3 – 5 và tháng 9 -12. Bộ Y tế cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận gần 9.000 trường hợp mắc tay – chân – miệng, trong đó đã có trường hợp tử vong, số ca mắc có xu hướng tăng nhanh trong các tuần gần đây.
Để chủ động ngăn chặn, phòng tránh lây lan và giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm của bệnh, tại Công văn số 190/GDSKTƯ ngày 07/6/2023, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung Ương đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống bệnh tay – chân – miệng ở trẻ em.
Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền qua loa truyền thanh khu phố, xã, phường, thôn bản ở khu vực đang có ca bệnh và khu vực có nguy cơ cao xảy ra bệnh dịch. Đa dạng hoá trong sử dụng hình thức truyền thông trực tiếp như thăm hộ gia đình, lồng ghép nói chuyện sức khoẻ tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo…Tăng cường lồng ghép tư vấn sức khoẻ trong các hoạt động khám, điều trị bệnh ở các cơ sở khám và điều trị cho trẻ em và các buổi tiêm chủng phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở y tế. Tổ chức các chiến dịch truyền thông về vệ sinh môi trường, thực hiện 3 sạch: “Ăn sạch, uống sạch và ở sạch”, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch. Tập trung vào nguyên nhân, đường lây, dấu hiệu bệnh và cách phòng bệnh. Hiện nay, bệnh chưa có vắc xin tiêm phòng. Khi có biểu hiện bệnh, cần khám và điều trị tại cơ sở y tế, không tự ý mua thuốc điều trị. Ưu tiên khu vực đã có ca bệnh và gia đình có trẻ dưới 5 tuổi. Nơi tập trung trẻ nhỏ như: nhà trẻ, mẫu giáo cả công lập và tư thục. Cơ sở y tế khám chữa bệnh cho trẻ.
Để phòng, chống bệnh tay-chân-miệng Bộ Y tế khuyến cáo: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.
Vũ Tuyết – Khoa Truyền thông GDSK