Sáng 29/3 tại Trường Cao đẳng Y tế Hải Phòng, Sở Y tế phối hợp với Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em – Bộ Y tế cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức hội nghị Triển khai “Phần mềm Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7- 60 tháng tuổi”. Tham dự hội nghị có đại diện Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, đại diện các bệnh viện có khoa sản và khoa nhi, đại diện Trung tâm y tế các quận huyện, các Trạm trưởng và cán bộ phụ trách dinh dưỡng của 218 Trạm Y tế xã phường, thị trấn tại Hải Phòng và đại diện Công ty Ajinomoto Việt Nam và các đơn vị có liên quan.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, TS.Phan Huy Thục – Phó Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng cho biết: Thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng qua nhiều các giai đoạn: 2001 – 2010; 2011 – 2020 và giai đoạn 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Với sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ làm công tác dinh dưỡng, sự phối hợp liên ngành của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng cùng tham gia, chương trình phòng chống SDD trẻ em, bổ sung vitamin A, phòng chống thiếu máu do thiếu sắt… được triển khai và mang lại những kết quả thiết thực. Tình trạng dinh dưỡng người dân trên địa bàn thành phố đã được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ SDD hàng năm giảm bền vững. Năm 1999, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi chiếm tới 33,9%, tỷ lệ SDD thấp còi 28,5%. Đến năm 2022 tỷ lệ SDD thể nhẹ cân đã giảm đáng kể chỉ còn 6,6%, tỷ lệ SDD thấp còi cũng giảm nhưng vẫn còn chiếm tới 16,8%. Năm 2013, tỷ lệ TC-BP là 5,2% thì đến năm 2022 tỷ lệ TC-BP chiếm 7,8%. Chương trình phòng chống thiếu vitamin A được triển khai từ rất sớm, theo đánh giá năm 2001, tỷ lệ bao phủ viên nang vitamin A của trẻ từ 6-36 tháng tuổi là 95,9% và bà mẹ sau đẻ là 75,6%. Năm 2022, tỷ lệ tương ứng này đạt ở mức cao: 99,2%; 97,5%. Tỷ lệ phụ nữ có thai thiếu máu từ 53% năm 1995 xuống còn 32,1% năm 2022. Ngành Y tế đã triển khai các hoạt động và lồng ghép có hiệu quả các chương trình y tế trong toàn thành phố tạo được bước chuyển biến quan trọng trong lĩnh vực dinh dưỡng. Ý thức về dinh dưỡng hợp lý nói chung và công tác phòng chống SDD nói riêng trong từng lớp cán bộ cũng như cộng đồng đã được nâng cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện công tác dinh dưỡng trên địa bàn thành phố có những khó khăn, thách thức. SDD thấp còi vẫn còn ở mức trung bình cao, năm 2022 vẫn còn chiếm tới 16,8%. Tình trạng TC-BP, rối loạn chuyển hóa và các yếu tố nguy cơ sức khỏe liên quan đến dinh dưỡng đang có xu thế tăng nhanh ở trẻ trên 5 tuổi và người trưởng thành, đặc biệt là khu vực thành thị. Những yếu tố nguy cơ này là nguyên nhân quan trọng làm gia tăng gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm. Công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng đã làm nhưng chưa đủ mạnh. Hoạt động tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về dinh dưỡng còn hạn chế. Đa số người dân chưa có nhận thức đầy đủ về dinh dưỡng, dinh dưỡng phù hợp cho từng đối tượng, thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ trong những năm đầu đời, chưa đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng hợp lý trong các hộ gia đình, bữa ăn học đường, bữa ăn ca cho người lao động. Năng lực của mạng lưới dinh dưỡng còn yếu, đội ngũ cộng tác viên và cán bộ phụ trách thường xuyên thay đổi, thiếu cán bộ làm công tác dinh dưỡng đặc biệt cán bộ chuyên trách, chuyên biệt về dinh dưỡng, phần lớn là kiêm nghiệm tại cơ sở. Nguồn lực cho công tác dinh dưỡng ngày một cắt giảm chưa đáp ứng được yêu cầu, chủ yếu mới chỉ tập trung cho công tác phòng chống SDD thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi…
Xuất phát từ thực tế trên, TS.Phan Huy Thục nhấn mạnh: việc thực hiện dinh dưỡng hợp lý cần được duy trì một cách thường xuyên, mọi người dân đều có quyền tiếp cận cân bằng dinh dưỡng và thực phẩm để cải thiện tình trạng dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng, địa phương góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật, nâng cao tầm vóc, thể lực, trí tuệ của người Việt nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được cán bộ khoa Dinh dưỡng (CDC Hải Phòng) và cố vấn kỹ thuật của Công ty Ajinomoto Việt Nam giới thiệu về phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi”; Kế hoạch triển khai phần mềm thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại Hải Phòng và một số hướng dẫn liên quan tới việc tiếp cận và sử dụng phần mềm cho các đối tượng trong cộng đồng.
Phần mềm “Xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến 60 tháng tuổi” được sử dụng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em đến 60 tháng tuổi tại các cơ sở y tế trong phạm vi toàn quốc và tại cộng đồng. Đây là công cụ hữu ích cho cả cán bộ y tế và người dân trong thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú và trẻ em từ 7 tháng đến dưới 60 tháng tuổi một cách toàn diện giúp làm giảm SDD bào thai, SDD trẻ em đặc biệt SDD thể thấp còi để từ đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam. Đây cũng là một trong những nỗ lực hướng đến việc thực hiện “Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021- 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó cải thiện tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em là một trong những mục tiêu hàng đầu.
Khoa truyền thông GDSK – CDC Hải Phòng