Chiều 25/5/2022, Sở Y tế tổ chức Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng, An toàn vệ sinh thực phẩm quý I năm 2022. TS. Phan Huy Thục – Phó Giám đốc thường trực Sở Y tế chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) trong Quý I năm 2022, toàn thành phố ghi nhận 456.880 ca mắc bệnh Covid-19. Số ca mắc ghi nhận cao nhất tại các quận/huyện Thủy Nguyên (99.077 ca), huyện An Dương (66.267 ca), Vĩnh Bảo (41.140 ca), Lê Chân (37.521). Trong đó khỏi bệnh 458.731 ca và tử vong 137 ca. Cũng trong quý I đầu năm 2022, Hải Phòng ghi nhận số ca mắc giảm mạnh của bệnh Tay chân miệng, bệnh viêm gan virus, chưa phát hiện ca bệnh Zika, Mer-CoV…trên địa bàn thành phố.
Công tác giám sát dịch chủ động được thực hiện thường quy tại 3 bệnh viện tuyến thành phố: Bệnh viện Việt Tiệp, bệnh viện Kiến An, bệnh viện Trẻ Em. Thường xuyên theo dõi và giám sát các yếu tố nguy cơ dịch như: chỉ số véc tơ truyền bệnh, tỷ lệ tiêm chủng, số lượng các ca bệnh truyền nhiễm theo ngày, tuần, tháng, mô hình bệnh truyền nhiễm, sự biến đổi thời tiết, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm của khu vực, các tỉnh, thành phố lân cận.
Công tác tiêm chủng của Hải Phòng cũng đạt được những kết quả tích cực. Trong quý I năm 2022, tổng số điểm tiêm trên toàn thành phố là 4807, tổng số mũi tiêm là 1.113.364 mũi. Trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đạt số tiêm mũi 1 là 942, mũi 2 đạt 5.125 mũi. Số mũi tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi là 2.996 mũi.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên trong quý I năm 2022, các chỉ tiêu tiêm chủng cho trẻ em dưới 1 tuổi, trên 1 tuổi, phụ nữ có thai đều giảm và không đạt so với chỉ tiêu được giao.
Đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, tính đến 31/3/2022, lũy tích người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố là 11.559 người, lũy tích số người chuyển sang AIDS là 6.338 người, lũy tích số người chết do AIDS là 5.369 người, số người nhiễm HIV còn sống là 6.190 người. Trong quý I, chương trình can thiệp giảm tác hại tiếp tục được duy trì: phân phát 9.238 chiếc BKT, 78.568 chiếc BCS và 23.184 gói bôi trơn. Điều phối, kết nối giữa các CBO trên địa bàn toàn thành phố để tiếp cận tư vấn đối tượng nguy cơ cao xét nghiệm HIV, chuyển tiếp điều trị ARV khi kết quả khẳng định HIV dương tính, điều trị PrEP khi kết quả HIV âm tính.
Tại 18 cơ sở điều trị Methadone đã điều trị cho 3.920 người, đạt 85% chỉ tiêu được giao, số bệnh nhân đạt liều duy trì 95%. Số bệnh nhân được cấp phát thuốc nhiều ngày 460 bệnh nhân tại 5 Cơ sở điều trị. Triển khai mở rộng Đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân tại các cơ sở điều trị Methadone lên 8 cơ sở điều trị (Lê Chân, Ngô Quyền, Thủy Nguyên, Kiến An, Hồng Bàng, Hải An, Thanh Xuân, Thủy Triều).
Công tác dinh dưỡng, sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống bệnh không lây nhiễm, lĩnh vực sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe sinh sản, truyền thông GDSK, phòng chống ký sinh trùng, côn trùng, dược vật tư y tế…vẫn tiếp tục được duy trì.
Theo báo cáo của Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, trong quý 1 năm 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên không thực hiện kiểm tra định kỳ dịch vụ ăn uống. Chi cục tiến hành kiểm tra đột xuất 02 cơ sở theo phản ánh của báo chí và xử phạt 01 cơ sở với số tiền là 10.375.000 do vi phạm quy định nhãn hàng hóa. Trong 3 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn thành phố không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các hoạt động giám sát bảo đảm ATTP cho lễ hội và các sự kiện lớn của thành phố được đảm bảo.
Kết luận tại hội nghị giao ban, TS. Phan Huy Thục – Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các đơn vị y tế dự phòng trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như thực hiện các nhiệm vụ được giao. Để công tác y tế dự phòng, an toàn thực phẩm đạt được những kết quả tích cực hơn nữa, Phó Giám đốc Thường trực Sở Y tế đề nghị:
Đối với CDC cần chủ động tham mưu các văn bản liên quan đến dịch bệnh COVID-19 cho UBND thành phố và Sở Y tế. Đồng thời xây dựng các kịch bản về phòng chống COVID-19 để chuẩn bị cho Seagame 31. Đôn đốc theo dõi tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các địa phương. Đôn đốc các đơn vị tiếp tục nhập liệu và cấp hộ chiếu vắc xin. Tham mưu thành lập đoàn làm việc của Sở Y tế với các địa phương có tiến độ tiêm vắc xin chậm. Tăng cường tuyên truyền để người dân không lơ là chủ quan trong công tác phòng chống dịch đặc biệt là dịch COVID-19 do vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ. Theo dõi sát tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới để kịp thời tham mưu cho Sở Y tế có các văn bản chỉ đạo, đặc biệt là dịch COVID-19 và các dịch bệnh mùa hè. Xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh không lây nhiễm trong chương trình mục tiêu dân số. Đẩy nhanh tiến độ các công việc của xây dựng quy chuẩn nước địa phương. Rà soát các chỉ tiêu, kế hoạch, đôn đốc các địa phương đẩy mạnh giải pháp phòng chống HIV/AIDS. Chú trọng nâng cao chất lượng cai nghiện các thuốc dạng thuốc phiện bằng Methadone. Yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Y tế đặc biệt thực hiện tốt Đề án thí điểm mang thuốc Methadone tại nhà. Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số, hệ thống theo dõi cảnh báo dịch bệnh.
Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tăng cường kiểm dịch y tế đối với người, phương tiện nhập cảnh qua đường hàng không, đường biển, kịp thời ngăn chặn các bệnh dịch mới nổi. Thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến dịch trong khu vực và trên thế giới để có phương án ứng phó kịp thời.
Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm tập trung cao nhân lực vật lực cho Tháng hành động Vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm cho Seagame 31 và các sự kiện lớn của thành phố năm 2022. Khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về an toàn thực phẩm để phục vụ công tác chuyển đổi số. Tăng cường công tác hậu kiểm nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn; quảng cáo thực phẩm vi phạm; phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, cổng công khai Bộ Y tế theo quy định. Xây dựng kế hoạch đào tạo tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về VSATTP cho các quận, huyện.
Các địa phương đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 đối với các mũi nhắc lại cho người lớn, khẩn trương rà soát đối tượng đủ điều kiện để tiêm cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi, chú trọng công tác nhập liệu và hộ chiếu vắc xin, đặc biệt phải đảm bảo công tác an toàn tiêm chủng. Tập trung cao cho công tác vệ sinh môi trường đặc biệt trong tháng 5 và thời gian tổ chức Seagame 31. Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm quản lý các trạm y tế trong quý II năm 2022. Yêu cầu các TTYT tiếp tục lựa chọn các trạm có đủ điều kiện để triển khai KCB BHYT; rà soát, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các TYT.
Phạm Sen