Theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, cả nước ghi nhận gần 15.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng trong 04 tháng đầu năm 2025, trong đó số mắc có xu hướng tăng từ tháng 3, riêng tháng 4 ghi nhận số mắc tương đương của 02 tháng trước. Số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 98,6%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 93,4%). Bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành quanh năm lây truyền qua đường tiêu hóa và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố, thường ghi nhận số mắc gia tăng vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-10 hàng năm.
Tại Hải Phòng, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trong tháng 3/2025 ghi nhận 18 ca, tăng 12 ca so với tháng trước, so với cùng kỳ năm trước giảm 89 ca (năm 2024 ghi nhận 125 ca).
Bệnh Tay chân miệng là bệnh do nhóm virus đường ruột, đặc biệt là virus Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71), thuộc họ Picornaviridae gây ra, trong đó các ca biến chứng nặng chủ yếu do virus EV71 gây ra, với nguy cơ mắc bệnh nặng tăng gấp 16 lần so với các chủng virus tay chân miệng khác. Virus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết đường hô hấp, dịch từ mụn nước hoặc phân của người nhiễm bệnh. Ngoài ra, virus cũng có thể truyền gián tiếp qua các bề mặt và vật dụng nhiễm mầm bệnh.
Bệnh tay chân miệng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ nhưng cũng có thể xảy ra ở thanh thiếu niên và đôi khi ở người trưởng thành. Đa phần các ca bệnh đều diễn biến ở mức độ nhẹ, có thể tự hồi phục với các triệu chứng điển hình như sốt, loét miệng gây đau rát, phát ban kèm mụn nước trên tay, chân và vùng mông.
Thực hiện phòng bệnh theo phương châm 3 sạch
Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch (ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch).
Ăn uống sạch: Thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo vật dụng ăn uống sạch sẽ và không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa
Ở sạch: Vi rút có thể tồn tại ở bề mặt đồ vật trong không gian sống. Vì vậy, cần thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Bàn tay sạch: Trẻ và người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.Thu gom, xử lý phân và chất thải của trẻ.
Nên làm gì khi trẻ bị mắc bệnh?
Khi thấy trẻ sốt và xuất hiện nốt phỏng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế
Khi trẻ bị bệnh phải cho trẻ nghỉ học, hạn chế tiếp xúc với trẻ khác.
Không làm vỡ các nốt phỏng để tránh nhiễm trùng và lây lan bệnh.
Hạn chế vận động, tăng cường dinh dưỡng, cho trẻ ăn thức ăn lỏng mềm như cháo, súp.
Nếu nghi ngờ mắc bệnh hãy liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Phạm Sen – Khoa TTGDSK, CDC Hải Phòng