Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp, 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi và trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Bộ Y tế ghi nhận từ đầu năm đến ngày 20/3 có hơn 42.400 ca nghi sởi tại tất cả địa phương, trong đó hơn 4.000 ca xét nghiệm dương tính với sởi. Số ca mắc 3 tháng đầu năm nay bằng tổng số ca của cả năm 2024.
Tại Hải Phòng, từ ngày 01/01 đến ngày 31/03/2025, toàn thành phố ghi nhận 607 ca sốt phát ban nghi sởi, 438 ca dương tính (72,2%) tại 14/15 quận, huyện, thành phố (trừ Bạch Long Vỹ); 0 ca tử vong.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc cao: Quận Lê Chân (110 ca); Thành phố Thủy Nguyên (87 ca); Quận Hải An (71 ca); Quận Kiến An (61 ca); Quận Ngô Quyền (51 ca),… Ca bệnh rải rác trên địa bàn thành phố, chưa ghi nhận ổ dịch.
Vừa qua, tại Viện Y học nhiệt đới – Bệnh viện Bạch Mai ghi nhận ca tử vong do bệnh sởi ở người lớn, đây cũng là ca tử vong đầu tiên do sởi ở người lớn tại nước ta trong năm nay. Theo thông tin, bệnh nhân nhập viện khi đã có biến chứng phổi nặng, phải lọc máu và chạy ECMO. Sau 2 tuần điều trị, người bệnh đã không qua khỏi.
Hiện nay nhiều người có tâm lý chủ quan cho rằng bệnh Sởi chỉ mắc ở trẻ em và không mắc ở người lớn. Đây là quan điểm rất nguy hiểm. Ngoài đối tượng là trẻ nhỏ thì người lớn cũng hoàn toàn có khả năng mắc sởi. Bệnh sởi ở người lớn sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, liệt, động kinh, hoặc các vấn đề về thần kinh
Đáng lo ngại hơn, những di chứng của bệnh sởi ở người lớn thường không được nhận biết để ngăn chặn kịp thời. Thông thường sau khi hết sốt và hết phát ban, một số bệnh nhân tưởng đã khỏi hẳn. Nhưng sau đó, tình trạng sốt cao trở lại, đau đầu, co giật, thay đổi ý thức từ lú lẫn tới hôn mê, có thể có liệt tứ chi, rối loạn cơ tròn sẽ xuất hiện, đó là khi bệnh đã biến chứng sang viêm màng não hoặc viêm tuỷ các biến chứng nặng khác như viêm phổi, viêm phế quản phổi, viêm kết – giác mạc dẫn tới loét giác mạc, mù lòa. Và cũng vì chủ quan nên khi người lớn mắc bệnh Sởi đã không có những biện pháp cách ly, các chế độ chăm sóc dinh dưỡng cũng như vệ sinh tốt. Đây là nguyên nhân khiến bệnh dễ dàng lây lan trong cộng đồng và có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề.
Bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ có thể điều trị triệu chứng phối hợp điều trị kháng sinh. Tuy nhiên bệnh có thể phòng chống được bằng việc tiêm phòng vaccine sởi. Đây là loại vaccine có trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm cho trẻ từ 9 tháng, sau đó được tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
Ths. Phan Hồng Hải – Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Hải Phòng khuyến cáo: Đối với người lớn có nguy cơ cao (người có bệnh phổi mạn tính, tiểu đường, cao huyết áp, người trên 50 tuổi), nhất là những người không rõ tiền sử tiêm chủng và chưa từng mắc sởi nên chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Ngoài ra, người cao tuổi cũng nên tiêm phòng những bệnh khác như cúm, phế cầu, viêm gan,…)
Vaccine sởi là một loại vaccine rất an toàn và hiệu quả. Việc tiêm vaccine đầy đủ không chỉ giúp bảo vệ bản thân mà còn giúp kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Vì vậy, hãy chủ động phòng ngừa trước khi quá muộn. Khi có triệu chứng sốt, phát ban, ho kéo dài, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.