Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để chủ động phòng bệnh bạch hầu hiệu quả các quốc gia cần tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, lúc 12-23 tháng tiêm mũi 4, lúc 4-7 tuổi tiêm mũi 5 và khi 9-15 tuổi tiêm mũi 6.
Tại Việt Nam, vắc xin Td chủ yếu được sử dụng để tiêm chủng chống dịch bạch hầu từ nguồn ngân sách địa phương khi xảy dịch. Năm 2019 đến năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định tiêm bổ sung vắc xin Td tại 30 tỉnh thành trong cả nước, mỗi năm đã có gần 700.000 người được tiêm bổ sung 01 liều vắc xin Td, đạt tỷ lệ 94,6% – 95%; không ghi nhận các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.
Năm 2024, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 10/2024/TT-BYT về việc ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, đối tượng và phạm vi phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, theo đó đưa vắc xin Td tiêm liều nhắc lại cho trẻ em 7 tuổi vào tiêm chủng thường xuyên hàng năm nhằm giúp củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu và uốn ván.
Tính đến 05/12/2024 cả nước ghi nhận 10 trường hợp mắc BH: Hà Giang (4), Thanh Hóa (3), Nghệ An (1), Bắc Giang (2) trong đó 01 trường hợp tử vong tại Nghệ An:
Điều đáng nói là Vắc xin Td chưa được triển khai cho trẻ lớn, chính vì vậy việc triển khai vắc xin này cho trẻ 7 tuổi là hết sức cần thiết.
Với mục tiêu tăng tỷ lệ miễn dịch, phòng ngừa chủ động dịch bệnh BH-UV, giảm tỷ lệ tử vong; ≥ 90% trẻ 7 tuổi được tiêm 01 mũi vắc xin Td; Đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng. Hải Phòng tổ chức chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Uốn ván – Bạch hầu giảm liều (Td).
Theo đó, đối tượng tiêm là tất cả trẻ 7 tuổi trở lên đang học lớp 2 niên học 2024-2025. Đối với Trẻ không đi học (tại cộng đồng) thì áp dụng với những trẻ sinh từ 1/1/2017 đến 31/12/2017.
Ngành Y tế cũng khuyến cáo, không tiêm vắc xin Td cho trẻ: Dưới 7 tuổi; đã tiêm 5 mũi VX bạch hầu; đã tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 1 tháng trước ngày triển khai chiến dịch.
Chiến dịch sẽ được triển khai đồng loạt các xã, phường, thị trấn tại 15/15 quận, huyện từ tháng 12/2024 đến 01/2025.
Tại trường học: Trạm Y tế xã/phường phối hợp với nhà trường lập danh sách toàn bộ trẻ 7 tuổi học lớp 2, lập danh sách theo từng lớp. Cung cấp phiếu thông tin về KH và truyền thông, vận động phụ huynh đăng ký tiêm cho trẻ. Thông báo thời gian triển khai đến phụ huynh và phối hợp tổ chức.
Tại cộng đồng: Phối hợp với Y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, trưởng thôn rà soát, lập danh sách theo thôn/tổ/ấp nhóm trẻ 7 tuổi (sinh từ 1/1/2017 đến 31/12/2017) không đi học. Tránh bỏ sót trẻ chưa được quản lý tiêm chủng: vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh, có biến động dân cư…trẻ vãng lai.
Về công tác tổ chức tiêm chủng: Tổ chức tiêm tối đa cho 100 đối tượng/1 buổi tiêm chủng /1 bàn tiêm (theo Thông tư 34/TT-BYT). Tăng cường cán bộ y tế khám sàng lọc.
Đảm bảo an toàn tiêm chủng: Quy trình tổ chức buổi tiêm chủng thực hiện theo đúng Quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP và Thông tư số 34/2018/TT-BYT. Khám sàng lọc trước tiêm chủng theo Quyết định 1575/QĐ-BYT. Theo dõi, xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm chủng (nếu có), cần có phối hợp, hỗ trợ của bệnh viện.
Điểm tiêm tại trường học cần có sự tham gia của thầy/cô giáo. Bố trí tiêm cuốn chiếu từng lớp. Tránh phản ứng lan truyền: xử trí đúng, kịp thời giải thích khi có phản ứng tâm lý, ảnh hưởng tới tâm lý học sinh, phụ huynh.
THÔNG ĐIỆP TRUYỀN THÔNG
- Vắc xin Td là vắc xin phối hợp 2 thành phần an toàn, hiệu quả để phòng bệnh bạch hầu và uốn ván.
- Tiêm nhắc 1 mũi vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi để chủ động phòng bệnh bạch hầu và uốn ván ở trẻ em.
- Tất cả các em học sinh đang học tại các trường tiểu học niên học 2024-2025 sinh trong năm 2017 tại các địa phương sẽ được tiêm một mũi vắc xin Td miễn phí trong chiến dịch năm 2024.
- Các thầy cô và các bậc phụ huynh hãy phối hợp với ngành y tế cho con được tiêm bổ sung vắc xin Td trong chiến dịch để phòng bệnh bạch hầu, uốn ván.
- Đừng bỏ lỡ cơ hội tiêm bổ sung vắc xin bạch hầu – uốn ván (Td) cho trẻ em lúc 7 tuổi.