Trang chủSức khỏe cho mọi nhàNgười suy giảm miễn dịch đối mặt với bệnh COVID-19 thế nào?

Người suy giảm miễn dịch đối mặt với bệnh COVID-19 thế nào?

Hệ thống miễn dịch của chúng ta cung cấp một số cấp độ bảo vệ tức thì. Thông qua hệ thống, các tế bào và tín hiệu phản ứng rất nhanh. Hệ miễn dịch rất cần thiết cho sự sống, nếu không có hệ miễn dịch, cơ thể sẽ dễ dàng bị tấn công bởi vi khuẩn, virus, ký sinh trùng… Hệ miễn dịch giữ cho chúng ta khỏe mạnh khi tiếp xúc với mầm bệnh. Đối với nhóm người bị suy giảm miễn dịch như: Người nhiễm HIV ở mọi giai đoạn, người bệnh ung thư, người mắc bệnh tự miễn… sẽ đối mặt thế nào với bệnh COVID-19.
Là đối tượng dễ bị tổn thương do COVID-19
Hệ thống miễn dịch của chúng ta cung cấp một số cấp độ bảo vệ tức thì, thông qua hệ thống các tế bào và tín hiệu phản ứng rất nhanh. Mặc dù điều này diễn ra nhanh, nhưng nó không phải là một hệ thống linh hoạt và không thể thích ứng với tất cả các mầm bệnh khác nhau, nên chúng ta cần phải được bảo vệ.
Hệ miễn dịch ở khắp cơ thể và liên quan đến nhiều loại tế bào, cơ quan, protein và mô. Điều quan trọng là hệ miễn dịch có thể phân biệt mô của cơ thể với mô ngoại lai. Các tế bào chết hay hỏng cũng được hệ miễn dịch nhận ra và loại bỏ.
Nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch được kể đến là tất cả những bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch để điều trị bệnh hoặc những thuốc điều biến miễn dịch, không chỉ giới hạn trong các nhóm thuốc kháng TNF, thuốc ức chế Tyrosin kinase hoặc ức chế PARP, Corticosteroid…
Người suy giảm miễn dịch cần làm gì?
Những người suy giảm miễn dịch trong mùa dịch COVID-19 cần lưu ý chăm sóc sức khỏe. Một trong những cách dễ nhất để một người có hệ miễn dịch yếu có thể khỏe mạnh là vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên, đúng cách. Rửa tay làm giảm 58% trường hợp tiêu chảy truyền nhiễm ở những người có hệ miễn dịch yếu.
Nên tránh tiếp xúc gần với bất kỳ ai bị cảm lạnh hoặc mắc bệnh và nhiễm trùng. Virus và các bệnh truyền nhiễm khác có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc ở khoảng cách gần. Chúng cũng có thể lan truyền trong hơi nước khi ho hoặc hắt hơi.
Quản lý căng thẳng. Căng thẳng có thể làm suy yếu hệ miễn dịch và khiến một người dễ mắc bệnh hơn. Những người có hệ miễn dịch yếu nên thực hiện các bước để kiểm soát căng thẳng. Một số phương pháp có thể làm giảm và kiểm soát căng thẳng bao gồm: Yoga; thiền; mát xa; dành thời gian theo đuổi sở thích.
Ngủ đủ giấc. Thiếu ngủ cũng có tác động tương tự đến hệ miễn dịch của cơ thể giống như căng thẳng. Thiếu ngủ làm gián đoạn quá trình sản xuất tế bào bạch cầu, là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch của cơ thể. Người lớn nên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi ngày, trong khi trẻ sơ sinh và trẻ em cần ngủ từ 8 đến 17 giờ tùy theo độ tuổi.
Chế độ ăn uống lành mạnh. Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh có thể cải thiện sức khỏe mỗi người. Những người có hệ miễn dịch yếu cần một chế độ ăn nhiều rau và trái cây để cung cấp nhiều chất dinh dưỡng.
Luyện tập thể dục đều đặn. Tập thể dục thường xuyên giúp cho cơ thể khỏe mạnh. Ngoài việc tăng cường cơ thể, tập thể dục khiến cơ thể giải phóng endorphin làm giảm mức độ căng thẳng. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch yếu nên cẩn thận không tập thể dục quá nặng vì điều này có thể làm suy yếu hệ miễn dịch hơn nữa.
Dùng thực phẩm bổ sung một số vitamin và khoáng chất hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch như: Vitamin A, D, E, sắt, acid folic, kẽm.
Nếu thấy các biểu hiện dưới đây cần liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn và chăm sóc. Thấy các triệu chứng của bệnh nặng lên. Ví dụ như: thấy thần kinh căng cứng, hay nhầm lẫn, thiếu hoặc mất khả năng tập trung.Thấy đau ngực, khó thở và đếm nhịp thở thấy nhanh hơn 25 chu kì hít vào-thở ra/phút.
Các thành viên trong gia đình, người chăm sóc cần đảm bảo khỏe mạnh, hạn chế tiếp xúc nơi đông người để tránh lây nhiễm COVID-19. Bất cứ thành viên nào trong gia đình xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19 cần phải được xét nghiệm COVID-19 ngay. Luôn tuân theo những hướng dẫn chuẩn, chính thống từ cơ quan y tế, tránh nghe những thông tin ngoài lề.

Bác sỹ Lê Tuyến

XEM THÊM

TIN PHỔ BIẾN