SỞ Y TẾ THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT

Hai Phong Provincial Center for Disease Control

Địa chỉ: 21 Lê Đại Hành, Hồng Bàng, Hải Phòng       Điện thoại: 02253.603.686       Email: gdsk.cdchaiphong@gmail.com

VIRUS ADENO VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Thời gian gần đây, thông tin về virus Adeno đang dành được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng do số lượng người nhiễm gia tăng đột biến, đặc biệt là trẻ em. Được biết, đây là loại virus gây bệnh lý về đường hô hấp, với tỷ lệ tử vong ở trẻ em là 8-10%.
Virus Adeno là gì?
Virus Adeno được phát hiện lần đầu vào năm 1953 từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể con người. Virus này thuộc họ Adenoviridae và được phân thành 2 nhóm chính: nhóm gây bệnh ở chim (Avi Adenovirus) và nhóm gây bệnh ở động vật có vú (Mastadenovirus). Ở nhóm gây bệnh cho động vật có vú (bao gồm cả con người) các chuyên gia đã phân lập được 47 loại virus Adeno. Trong đó:
– Týp 1-5, 7, 14 và 21 vừa gây bệnh viêm họng hạch vừa gây bệnh viêm kết mạc.
– Týp 40 và 41 thường gây bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em.
– Týp 5, 8, 19 thường gây ra các bệnh nặng hơn .
Adenovirus gây bệnh ở người được chia thành 6 nhóm ký hiệu từ A – F dựa trên đặc điểm sinh lý, sinh hóa và sinh học phân tử. Loại virus này có thể tồn tại, gây bệnh trong thời gian dài ở ngoại cảnh, khoảng 30 ngày ở nhiệt độ phòng, có thể sống nhiều tháng ở 40°C, -200°C tồn tại được nhiều năm. Tuy nhiên, virus có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím và môi trường nước sôi 100°C. Virus bị mất độc lực nhanh và chết ở 56°C trong 3 – 5 phút.
Adeno có thể gây bệnh cho mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ nhiễm virus này cao hơn do có sức đề kháng kém.
Virus Adeno có thể gây ra những bệnh lý cụ thể nào?
‑ Viêm họng cấp: Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ với những triệu chứng như sốt, đau đầu, sưng họng, ho, chảy nước mũi. Tình trạng này kéo dài khoảng 7 – 14 ngày, có thể lây lan nhanh, trở thành dịch. Chẩn đoán trên triệu chứng thường khó phân biệt với những trường hợp nhiễm virus khác.
‑ Viêm họng kết mạc: Triệu chứng tương tự viêm họng cấp, nhưng thường kèm theo triệu chứng viêm kết mạc (kết mạc mắt đỏ, thường không đau, có chảy dịch trong). Người bệnh có thể bị lây qua đường hô hấp hay khi tiếp xúc với nguồn bệnh khi đi bơi.
‑ Viêm đường hô hấp cấp: Triệu chứng bệnh là đau và sưng họng, hạch cổ sưng đau, ho, sốt có thể trên 39°C. Bệnh diễn biến cấp tính, thường khỏi sau 3 – 4 ngày. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ em và người lớn.
‑ Viêm phổi: Biểu hiện bệnh thường xuất hiện đột ngột, sốt cao 39°C, ho, chảy nước mũi, những dấu hiệu tổn thương ở phổi. Các tổn thương này có khả năng lan rộng để lại di chứng, thậm chí gây tử vong.
‑ Bệnh viêm dạ dày, ruột: Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước. Tình trạng này kéo dài khoảng 7 ngày, kèm theo sốt, buồn nôn, nôn, những dấu hiệu viêm đường hô hấp, viêm kết mạc. Virus gây bệnh ở đường tiêu hóa, được đào thải trong phân. Đây cũng là nguồn lây chủ yếu trong cộng đồng.
– Adeno còn là nguyên nhân gây viêm bàng quang ở trẻ em, đặc biệt là bé trai. Virus có thể nằm trong nước tiểu của người bệnh.
Adenovirus lây qua đường nào?
Virus Adeno thường có những phương thức lây truyền như:
‑ Tiếp xúc trực tiếp giữa người và người thông qua đường hô hấp.
‑ Lây nhiễm qua niêm mạc do bơi lội hay nguồn nước dùng có dịch tiết từ mắt, mũi, phân của người bệnh.
‑ Tiếp xúc gián tiếp với vật dụng của người bệnh nhiễm virus Adeno.
‑ Lây nhiễm qua nước bọt như những hạt khí thông qua đường hô hấp.
Phương pháp chẩn đoán?
‑ Khám lâm sàng.
‑ Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) những dịch tiết ở đường hô hấp và máu đối với trường hợp bệnh nặng.
Điều trị và phòng ngừa virus Adeno như thế nào?
‑ Điều trị: Điều trị bệnh do virus Adeno thường là điều trị triệu chứng. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus này gây ra.
‑ Phòng bệnh: Phương pháp phòng chống dịch do Virus Adeno hiệu quả nhất là tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng và cung cấp những thông tin cần thiết về những bệnh do Virus Adeno. Đặc biệt là những giai đoạn có nguy cơ bùng nổ dịch.
Các biện pháp phòng dịch do Virus Adeno có thể sử dụng là:
– Chuẩn bị nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt.
– Trong mùa mưa, lũ lụt cần phải tiến hành thau rửa và khử trùng nước giếng bằng cloramin B.
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân, không dùng chung khăn mặt và giặt khăn mặt thường xuyên bằng xà phòng.
– Thường xuyên kiểm tra tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường, đặc biệt là tại các bể bơi công cộng.
Trẻ nhiễm virus Adeno, khi nào thì cần nhập viện điều trị nội trú?
• Tiêu chuẩn nhập viện điều trị trẻ bị viêm phổi nhiễm virus Adeno là khi trẻ có một trong các biểu hiện sau:
– Khó thở: thở nhanh theo tuổi, rút lõm lồng ngực, khó thở thanh quản.
– Suy hô hấp hoặc giảm ô xy máu: tím, SpO 2 < 94%
– Có dấu hiệu toàn thân nặng: Nôn không uống thuốc được, co giật, li bì, tình trạng nhiễm trùng nặng.
– Bệnh nền nặng: bệnh phổi mạn, suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, bệnh tim mạch nặng…
– Tổn thương trên X-quang phổi: tổn thương phổi nặng, hoại tử phổi, áp xe phổi, tràn dịch màng phổi,…
• Chuyển tuyến dưới điều trị trẻ viêm phổi nhiễm virus Adeno điều trị ổn định kèm theo các tiêu chuẩn:
‑ Không suy hô hấp: SpO2 từ 94% trở lên, không tím.
‑ Giảm khó thở.
‑ Hết sốt.
‑ Ăn được bằng đường miệng.
‑ Các rối loạn nặng đã được kiểm soát.
Virus Adeno rất dễ lây lan trong cộng đồng và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho người bệnh. Vì thế, khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus Adeno, người bệnh cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe và nên đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.

Ths.Lê Tuyến – Khoa TTGDSK

 

PHỔ BIẾN